Gần
đây, tôi đã xem đi xem lại một cuốn phim tài liệu có nhan đề “Đừng Khóc Cho
Tôi, Sudan.” (http://vimeo.com/69300535) Đây là một bộ phim hết sức
cảm động đã khiến cho biết bao người coi không cầm được nước mắt. Cuốn phim kể về cuộc đời truyền giáo của vị Linh Mục người Hàn Quốc tên là John Lee tại đất
nước Nam Sudan. Cha sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 10 anh chị em. Bố
của ngài đã qua đời khi ngài mới lên 9 tuổi. Cha được nuôi dạy trong vòng tay
yêu thương và ân cần của người mẹ rất đảm đang. Mặc dù gia đình cha phải chật vật
để kiếm kế sinh nhai, nhưng cha đã học hành hết sức chuyên cần để đạt tiêu chuẩn
vào một trường Đại Học Y Khoa tại Nam Hàn.
Cha đã cố gắng để thực hiện giấc mơ của mình là trở thành một bác sĩ, và
đó cũng là một hy vọng hết sức lớn lao của người mẹ.
Sau
ngày ra trường, cha vào phục vụ như một bác sĩ trong quân đội. Tuy nhiên, trong
những năm tháng phục vụ ở quân trường, cha đã nhận ra một ơn gọi khác mạnh mẽ
và quyết liệt hơn. Đó là trở thành một nhà truyền giáo. Thế là cha đã từ bỏ một
tương lại sáng lạng trước mắt, một bác sĩ thuộc tầng lớp khá giả trong xã hội
Hàn Quốc lúc bấy giờ để xin gia nhập vào dòng truyền giáo Don Bosco. Một điều bất
ngờ hơn nữa là sau khi được thụ phong Linh Mục, cha đã xin nhà dòng đến phục
vụ cho người nghèo tại Nam Sudan, thuộc Châu Phi. Tin này đã làm cho người mẹ
thân yêu của ngài hết sức ngỡ ngàng và
đau đớn khi chứng kiến con mình phải đi đến một đất nước đầy chiến tranh và bạo
động.
Cha
Lee đã đến và sống giữa những người nghèo nhất trong ngôi làng Tonj. Ngài phục
vụ như một bác sĩ duy nhất khám và chữa
bệnh cho biết bao người dân cả ngày lẫn đêm. Ngài đã phục vụ như một người thầy
giáo đầy yêu thương và nhiệt huyết, giảng
dạy biết bao điều cho các em thiếu may mắn nơi đây. Ngài sống như một người bạn
hết sức gần gủi và thân thương đối với những bệnh nhân phong cùi trong những
ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Ngoài việc
xin những nguồn tài trợ và thuốc men để chữa lành họ, cha dành tinh thương cho
họ cách đặc biệt để họ được chữa lành cả thể xác lẫn tinh thần. Cha còn là một
nhạc sĩ đã dạy cho các em biết chơi những nhạc cụ thay vì phải cầm lấy vũ khí để
gây chiến tranh và hận thù. Đội
kèn của cha đi trình diễn nhiều nơi để mang thông điệp yêu thương, hòa bình và
công lý tới chính quyền miền Bắc và Nam Sudan. Cha đã phục vụ với một tinh thần
khiêm nhường và một tình yêu thật lớn lao. Cha là một chứng nhân sống động cho
Tình Yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho người dân Sudan.
Nhưng buồn thay, trong một chuyến trở lại Hàn Quốc để thăm gia đình, cha đi khám bệnh và phát hiện ra mình đang bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cha rất muốn trở lại để tiếp phụ vụ người dân nghèo trên mảnh đất Sudan cằn cỏi này, nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp lấy sinh mạng ngắn ngũi của cha. Người dân Sudan đã nhung nhớ và khóc thương cha đến khô lệ. Cho đến hôm nay họ vẫn chưa tin rằng Cha đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng đối với họ, cha vẫn sống mãi trong con tim của mỗi người.
Câu
chuyện thật cảm động về cha Lee là một nhân chứng sống động cho tất cả chúng ta
về việc thực thi 2 điều răn qua trọng nhất mà Chúa Giesu đã nói với vị luật sĩ: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng,
hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”, và “Ngươi hãy yêu mến tha nhân
như chính mình ngươi.” Cha Lee là một
bác sĩ thuộc tầng lớp trí thức và có địa vị trong xã hội. Cha có rất nhiều tài
năng có thể trở thành một người nỗi tiếng được nhiều người hâm mộ. Cha là một
thanh niên trẻ đẹp có thể tìm được một người vợ ngoan hiền để xây dựng một đời
sống gia đình hạnh phúc ấm no. Nhưng cha đã không chọn tất cả những Tình-Tài-Tiền
đó. Cha đã chọn Chúa để yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và sức lực của mình.
Cha đã kết hợp mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện để dâng hiến một
cách trọn vẹn. Cha sử dụng tất cả sự khôn ngoan và tài năng để phục Chúa, để
ca ngợi Chúa, và để sống trong tình yêu vô biên của ngài. Cha Lee đã yêu thương
người dân Sudan hơn chính bản thân mình nữa. Cha đã rời bỏ gia đình, nếp sống
thành thị an nhàn, và những thú vui của một người thanh niên trẻ để đến, sống,
và phục vụ cho những con người nghèo đói và đau khổ tột cùng nơi mảnh đất
Sudan. Cha đã sống 2 điều răn này thật
trọn vẹn trong cuộc đời truyền giáo của mình. Đối với chúng ta, đây là giới răn
vẫn còn hết sức thách đố bởi vì Nó đòi hỏi
một trái tim thật sự khiêm nhu, quảng đại, hy sinh, và đầy lòng yêu thương như
Cha Lee vậy!
Chúa
Giê-su đã dùng 2 giới răn này để nói với những người
Luật sĩ là những người có tiếng nói và có địa vị cao trong xã hội Do Thái lúc bấy
giờ. Họ là những người có thể dùng lý lẽ
và trí khôn của loài người để vu khống, bắt bớ, và ngăn cản người khác đến với
chúa. Họ tự hào là những người có học và biết luật nhưng thiếu sự khiêm nhường để nhận ra Chúa
nơi tha nhân. Họ đã than phiền Khi Chúa
Giê-su ăn uống với người tội lỗi; họ đã lên án Chúa Giê-su là lộng ngôn khi
Ngài tha tội cho người khác. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không phải lên án tất cả những
người Luật Sĩ vì không phải tất cả họ là người xấu. Ngài đã khen tặng một người Luật
Sĩ rằng: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao
nhiêu".
Trên
hết, Chúa Giê-su muốn dạy bảo tất cả những người có địa vị trong xã hội khi họ
quá quan tâm đến quyền lợi và danh vọng, khi họ chọn thế gian hơn là chọn Chúa,
và khi họ yêu mến thế gian hơn yêu mến Chúa. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su đã nhận
thấy rằng họ có thể nói trên môi miệng rằng họ yêu mến chúa nhưng đời sống của
họ thì đi ngược lại lời nói. Cho nên,
yêu mến tha nhân như chính minh là một hành động cụ thể để biểu hiện lòng yêu mến
Chúa một cách sâu sắc. Chúa Giê-su dạy
cho họ một bài học rằng lời nói phải đi đôi thực hành. Nếu ai đó nói tôi yêu mến
Chúa hết lòng mà thờ ơ lảnh đạm không một chút xót xa trước sự đói khổ cùng cực
của anh chị em đồng loại là người đó đang thiếu trung thực với chúa và với
chính mình.
Câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào khi nghe người
luật sĩ hỏi chúa giê-su rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chắc hẳn mỗi người chúng ta sẽ có những
câu trả lời khác nhau. Chắc hẳn chúng ta
sẽ nghĩ nhiều đến những luật lệ cấm làm việc này hay buộc làm việc khác. Chúng ta có lẽ ngạc nhiên khi câu trả lời của
chúa Giê-su không phải là những điều cấm và buộc, nhưng là một lời mời gọi yêu
thương tâm tình và sâu sắc phát xuất từ đáy long của mỗi người chúng ta. Tôi
tin rằng tất cả chúng ta đang tham dự thánh lễ ngày hôm nay, ít hay nhiều chúng
ta đều có lòng yêu mến chúa và yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta tự hỏi mình rằng, tôi yêu mến Chúa và yêu
tha nhân như vậy đã đủ hay chưa? Và phải yêu như thế nào?
Câu trả lời hết sức quả quyết và
rõ ràng từ Môi-sê khi ông nói với dân Israel: “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng
ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn
và hết sức ngươi.” Và Chúa Giê-su tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta hãy yêu mến
tha nhân như chính mình. Ước mong mỗi
người trong chúng ta luôn lấy 2 điều răn này làm kim chỉ nam trong hành trình
phục vụ Chúa và tha nhân.
No comments:
Post a Comment