Wednesday, July 9, 2014

Giới Răn Mến Chúa Yêu Người



Gần đây, tôi đã xem đi xem lại một cuốn phim tài liệu có nhan đề “Đừng Khóc Cho Tôi, Sudan.” (http://vimeo.com/69300535) Đây là một bộ phim hết sức cảm động đã khiến cho biết bao người coi không cầm được nước mắt. Cuốn phim kể về cuộc đời truyền giáo của vị Linh Mục người Hàn Quốc tên là John Lee tại đất nước Nam Sudan. Cha sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 10 anh chị em. Bố của ngài đã qua đời khi ngài mới lên 9 tuổi. Cha được nuôi dạy trong vòng tay yêu thương và ân cần của người mẹ rất đảm đang. Mặc dù gia đình cha phải chật vật để kiếm kế sinh nhai, nhưng cha đã học hành hết sức chuyên cần để đạt tiêu chuẩn vào một trường Đại Học Y Khoa tại Nam Hàn.  Cha đã cố gắng để thực hiện giấc mơ của mình là trở thành một bác sĩ, và đó cũng là một hy vọng hết sức lớn lao của người mẹ.
 
Sau ngày ra trường, cha vào phục vụ như một bác sĩ trong quân đội. Tuy nhiên, trong những năm tháng phục vụ ở quân trường, cha đã nhận ra một ơn gọi khác mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Đó là trở thành một nhà truyền giáo. Thế là cha đã từ bỏ một tương lại sáng lạng trước mắt, một bác sĩ thuộc tầng lớp khá giả trong xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ để xin gia nhập vào dòng truyền giáo Don Bosco. Một điều bất ngờ hơn nữa là sau khi được thụ phong Linh Mục, cha đã xin nhà dòng đến phục vụ cho người nghèo tại Nam Sudan, thuộc Châu Phi. Tin này đã làm cho người mẹ thân yêu của ngài hết sức ngỡ  ngàng và đau đớn khi chứng kiến con mình phải đi đến một đất nước đầy chiến tranh và bạo động.
 
Cha Lee đã đến và sống giữa những người nghèo nhất trong ngôi làng Tonj. Ngài phục vụ như một bác sĩ  duy nhất khám và chữa bệnh cho biết bao người dân cả ngày lẫn đêm. Ngài đã phục vụ như một người thầy giáo đầy yêu thương và nhiệt huyết,  giảng dạy biết bao điều cho các em thiếu may mắn nơi đây. Ngài sống như một người bạn hết sức gần gủi và thân thương đối với những bệnh nhân phong cùi trong những ngôi làng xa xôi hẻo lánh.  Ngoài việc xin những nguồn tài trợ và thuốc men để chữa lành họ, cha dành tinh thương cho họ cách đặc biệt để họ được chữa lành cả thể xác lẫn tinh thần. Cha còn là một nhạc sĩ đã dạy cho các em biết chơi những nhạc cụ thay vì phải cầm lấy vũ khí để gây chiến tranh và hận thù.  Đội kèn của cha đi trình diễn nhiều nơi để mang thông điệp yêu thương, hòa bình và công lý tới chính quyền miền Bắc và Nam Sudan. Cha đã phục vụ với một tinh thần khiêm nhường và một tình yêu thật lớn lao. Cha là một chứng nhân sống động cho Tình Yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho người dân Sudan.
 
Nhưng buồn thay, trong một chuyến trở lại Hàn Quốc để thăm gia đình, cha đi khám bệnh và phát hiện ra mình đang bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cha rất muốn trở lại để tiếp phụ vụ người dân nghèo trên mảnh đất Sudan cằn cỏi này, nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp lấy sinh mạng ngắn ngũi của cha. Người dân Sudan đã nhung nhớ và khóc thương cha đến khô lệ. Cho đến hôm nay họ vẫn chưa tin rằng Cha đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng đối với họ, cha vẫn sống mãi trong con tim của mỗi người. 

Câu chuyện thật cảm động về cha Lee là một nhân chứng sống động cho tất cả chúng ta về việc thực thi 2 điều răn qua trọng nhất mà Chúa Giesu đã nói với vị luật sĩ: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”, và “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi.”  Cha Lee là một bác sĩ thuộc tầng lớp trí thức và có địa vị trong xã hội. Cha có rất nhiều tài năng có thể trở thành một người nỗi tiếng được nhiều người hâm mộ. Cha là một thanh niên trẻ đẹp có thể tìm được một người vợ ngoan hiền để xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc ấm no. Nhưng cha đã không chọn tất cả những Tình-Tài-Tiền đó. Cha đã chọn Chúa để yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và sức lực của mình. Cha đã kết hợp mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện để dâng hiến một cách trọn vẹn. Cha sử dụng tất cả sự khôn ngoan và tài năng để phục Chúa, để ca ngợi Chúa, và để sống trong tình yêu vô biên của ngài. Cha Lee đã yêu thương người dân Sudan hơn chính bản thân mình nữa. Cha đã rời bỏ gia đình, nếp sống thành thị an nhàn, và những thú vui của một người thanh niên trẻ để đến, sống, và phục vụ cho những con người nghèo đói và đau khổ tột cùng nơi mảnh đất Sudan.  Cha đã sống 2 điều răn này thật trọn vẹn trong cuộc đời truyền giáo của mình. Đối với chúng ta, đây là giới răn vẫn còn  hết sức thách đố bởi vì Nó đòi hỏi một trái tim thật sự khiêm nhu, quảng đại, hy sinh, và đầy lòng yêu thương như Cha Lee vậy!
 
Chúa Giê-su đã dùng 2 giới răn này để nói với những người Luật sĩ là những người có tiếng nói và có địa vị cao trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ.  Họ là những người có thể dùng lý lẽ và trí khôn của loài người để vu khống, bắt bớ, và ngăn cản người khác đến với chúa. Họ tự hào là những người có học và biết luật  nhưng thiếu sự khiêm nhường để nhận ra Chúa nơi tha nhân.  Họ đã than phiền Khi Chúa Giê-su ăn uống với người tội lỗi; họ đã lên án Chúa Giê-su là lộng ngôn khi Ngài tha tội cho người khác. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không phải lên án tất cả những người Luật Sĩ vì không phải tất cả họ là người xấu. Ngài đã khen tặng một người Luật Sĩ rằng: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". 
 
Trên hết, Chúa Giê-su muốn dạy bảo tất cả những người có địa vị trong xã hội khi họ quá quan tâm đến quyền lợi và danh vọng, khi họ chọn thế gian hơn là chọn Chúa, và khi họ yêu mến thế gian hơn yêu mến Chúa. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su đã nhận thấy rằng họ có thể nói trên môi miệng rằng họ yêu mến chúa nhưng đời sống của họ thì đi ngược lại lời nói.  Cho nên, yêu mến tha nhân như chính minh là một hành động cụ thể để biểu hiện lòng yêu mến Chúa một cách sâu sắc.  Chúa Giê-su dạy cho họ một bài học rằng lời nói phải đi đôi thực hành. Nếu ai đó nói tôi yêu mến Chúa hết lòng mà thờ ơ lảnh đạm không một chút xót xa trước sự đói khổ cùng cực của anh chị em đồng loại là người đó đang thiếu trung thực với chúa và với chính mình.

Câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào khi nghe người luật sĩ hỏi chúa giê-su rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?"  Chắc hẳn mỗi người chúng ta sẽ có những câu trả lời khác nhau.  Chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ nhiều đến những luật lệ cấm làm việc này hay buộc làm việc khác.  Chúng ta có lẽ ngạc nhiên khi câu trả lời của chúa Giê-su không phải là những điều cấm và buộc, nhưng là một lời mời gọi yêu thương tâm tình và sâu sắc phát xuất từ đáy long của mỗi người chúng ta. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đang tham dự thánh lễ ngày hôm nay, ít hay nhiều chúng ta đều có lòng yêu mến chúa và yêu thương tha nhân.  Tuy nhiên, đôi lúc chúng  ta tự hỏi mình rằng, tôi yêu mến Chúa và yêu tha nhân như vậy đã đủ hay chưa? Và phải yêu như thế nào?
Câu trả lời hết sức quả quyết và rõ ràng từ Môi-sê khi ông nói với dân Israel: “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi.” Và Chúa Giê-su tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta hãy yêu mến tha nhân như chính mình.  Ước mong mỗi người trong chúng ta luôn lấy 2 điều răn này làm kim chỉ nam trong hành trình phục vụ Chúa và tha nhân.  

Phục Vụ Trong Tinh Thần Khiêm Nhường và Yêu Thương



Vào những năm 2000-2002, tôi đến làm mục vụ cho Trung Tâm Mai Hòa của các Sơ dòng Nữ tử Bác Ái.  Đây là một trung tâm chăm sóc những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối. Những bệnh nhân này không còn khả năng chữa trị; và họ được chăm sóc trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Ngoài ra, trung tâm còn săn lùng một số bệnh nhân đang nằm lăn lóc trong những hang cùng ngõ hẻm của thành phố, để mang về tắm rửa, chăm sóc thuốc men và cho ăn uống. Cho dù các bệnh nhân này không thể kéo dài cuộc sống của họ hơn nữa, nhưng họ được chết trong nhân phẩm của một con người.  Tôi hết sức ngỡ ngàng và xúc động khi nhìn thấy các sơ chăm sóc ân cần cho các bệnh nhân này cho dù họ chỉ còn một hơi thở cuối cùng.  Đặc biệt, tôi hết sức thán phục khi nhìn thấy các sơ tắm rửa cho một thân xác đen đủi, đầy ghẻ chóc, với mùi hôi lâu ngày không ai đụng tới. Tôi cảm thấy mình bất lực khi đứng nhìn các sơ làm điều đó. Tôi tự hỏi tại sao các sơ lại có thể làm được những điều kỳ diệu như vậy? Câu trả lời duy nhất mà tôi có được cho tới ngày hôm nay, đó là các sơ đã phục vụ tha nhân với một trái tim khiêm nhường đầy yêu thương!

Các sơ đã noi theo mẫu gương phục vụ trong tinh thần khiêm nhường và yêu thương từ vị Thầy Chí Thánh của mình là Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đã quỳ xuống và rửa chân cho các môn đệ của mình. Đối với người Do Thái, đôi bàn chân là bộ phận tiếp xúc với đất cát thường xuyên và có thể bị dính bụi đất và những vết nhơ bẩn bên ngoài. Việc rửa chân cho người khác, một bộ phận không mấy sạch sẻ, thì không ai muốn làm; và nó được xem là lạ lùng khó hiểu. Cho nên Phê-rô phản ứng rất đổi ngạc nhiên: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con." Hình ảnh đôi bàn chân tiếp xúc với bụi đất đã liên tưởng đến thân phận con người gắn liền với những tệ nạn của thế gian như tội lỗi, quyền lực, và danh vọng.  Chúa Giê-su hôm nay, từ thân phận là một Thiên Chúa, đã mặc lấy thân phận con người, lại còn làm bạn và ăn uống với người tội lỗi, hơn thế nữa, lại còn rửa chân cho các môn đệ cũng là những con người phàm tục, xác thịt.

Chúa Giê-su đã hạ mình để rửa chân cho các môn đệ. Một cung cách phục vụ thấp hèn đến nỗi không ai có thể nghĩ tới; một tinh thần phục vụ vượt qua ranh giới chủ-tớ và tình trạng cá nhân cũng như xã hội; một tinh thần phục vụ không có điều kiện.  Và lát nữa đây, chúng ta sẽ chứng kiến cha xứ của chúng ta sẽ diễn lại toàn cảnh của tình thần phục vụ này qua nghi thức rửa chân. Đây không phải chỉ là một hình thức đơn thuần. Qua nghĩa cử cuối xuống và rửa chân, ngài sẽ tỏ rõ sự khiêm nhường trong lòng để đón nhận tất cả chúng ta cho dù chúng ta có khác biệt về tuổi tác, lối sống, hay về quan điểm. Hơn thế nữa, ngài muốn nói với chúng ta rằng ngài hiện diện nơi đây trong vai trò này là để phục vụ tất cả anh chị em. Ngày xưa, Chúa Giê-su làm việc này không có báo với các môn đệ trước, cho nên chân của các môn đệ có người sạch người dơ. Nhìn thấy Phê-rô phản ứng dữ dội, tôi nghĩ chân của phê-rô không được sạch cho lắm. Hôm nay, chúng ta được báo trước, nên tôi tin rằng chân của các bác các anh sẽ rất là sạch! Cho nên cha xứ cũng không phải lo cho lắm!
 
Nhìn vào cung cách phục vụ của Chúa Giê-su, chúng ta có thể học hỏi được gì từ Ngài chăng? Chúng ta có dám hăng hái dấn thân vào những công việc mục vụ mà người khác cho là thấp hèn, hay xấu hỗ, hay dơ bẩn như các sơ Nữ Tử Bác Ái hay không? Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời có. Đơn cử, tôi thấy có anh chị em tuần nào cũng đi xin tiền trong nhà thờ hay quyên tiền để làm từ thiện. Có thể một số người vô tình nói rằng: Nhìn thấy mặt anh là biết đòi tiền rồi!. Đôi lúc người anh chị em đó phải bỏ qua sự ngại ngùng xấu hổ để tiếp tục công việc phục vụ Chúa và tha nhân.  Và có biết bao nhiêu anh chị em khác đã bỏ công sức và thời giờ để phục vụ cộng đoàn. Nhiều lúc họ bị hiểu lầm, không nhận được tiếng thơm, lại còn bị chỉ trích. Thật ra, không ai muốn phục vụ vô vi lợi mà còn bị phỉ báng cả. Chỉ có phục vụ trong tinh thần khiêm nhường và yêu thương như chúa Giê-su đã cuối xuống rửa chân cho các môn đệ, thì chúng ta mới có thể cải hoán người anh chị em mình và mở mang nước Chúa cho thế giới đầy những ích kỷ và bất công hôm nay.