Tuesday, July 8, 2014

Phải Chăng Tội Lỗi Đã Làm Ngài Giận Dữ?

Thông thường, khi có những thảm họa xảy ra cho con người, chúng ta thường liên tưởng đến vấn đề tội lỗi: có phải con người đã làm gì để xúc phạm tới Chúa và làm Ngài giận dữ? Chẳng hạn tại Brazil, một vụ hỏa hoạn rất lớn đã xảy ra và làm thiệt mạng gần 300 người chỉ trong vòng 1 đêm. Nơi đây là một Vũ Trường có sức chứa tới 5000 người, một điểm vui chơi giải trí rất nỗi tiếng cho thanh niên nam nữ Brazil. Đối với văn hóa Brazil, việc đi đến vũ trường để nhảy nhót, hút thuốc và uống rượu với bạn bè thì không phải là điều xa lạ với giới trẻ. Theo tôi hiểu, trong lối suy nghĩ của con người Brazil, việc vui chơi giải trí này không có gi là xấu xa quá đáng hay trụy lạc. Tuy nhiên, sau vụ hỏa hoạn, có một bài viết cho rằng, cái chết của những người trẻ tuổi này là một hình phạt của Thượng Đế bởi vì họ đã ăn chơi trác táng và trụy lạc.

Tin mừng Thánh Luca tường thuật rằng những người Galileo đã từ chối nộp thuế lên Hoàng Đế Roma bởi vì họ cho rằng họ là con người của Thiên Chúa; họ không thể nộp thuế cho người ngoại bang, tức là người Roma lúc bấy giờ. Tin này được loan truyền khắp nơi tại Gierusalem và trong đền thờ, đã gây phẩn nộ tới quan Hoàng Đế Roma. Chính Philato đã giết hại những người Galileo này khi họ dâng của lễ trong đền thờ. Và máu của họ đã hoà lẫn với của lễ hy sinh dâng lên đền thờ. Một số người thời bấy giờ đã kể câu chuyện này với Chúa Giesu, và họ cũng nghĩ rằng những người Galileo bị giết hại bởi quan Philato là vì họ mang trọng tội. Cái chết của họ là do tội lỗi gây ra. Nhưng chúa Giesu đã nói với họ rằng: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.”

Câu nói của Chúa Giesu chứng tỏ cho chúng ta một điều rằng: không phải Thiên Chúa đã trừng phạt chúng ta bởi vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Thiên Chúa là Đấng xót thương luôn cho chúng ta một cơ hội để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cho chúng ta được sống trong Ân Sủng của Ngài. Như Chúa nói với Môi-sê nơi bụi gai rằng: “Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật.”

Chúng ta thừa nhận một thực trạng rằng: ai trong chúng ta, ít hay nhiều, cũng xúc phạm tới Chúa cách này hay cách khác. Nếu Chúa trách tội chúng ta mà luận phạt, thì không ai có thể xứng đáng trước mặt Chúa cả. Chúa luôn luôn thương xót chúng ta, cho dù con người đã phản bội Ngài qua nhiều thế hệ khác nhau: từ thời Adong Eva thất sủng, con người xây tháp Babel lên tới trời, con người thờ ngẫu tượng trong sa mạc, và con người đã giết Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã kiên nhẫn đồng hành với chúng ta qua bao năm tháng của cuộc đời, để chờ đợi chúng ta quay trở lại với Ngài, ăn năn hối cải, và đổi mới trong tâm hồn. Thiên Chúa đối với chúng ta như là người Cha Nhân Hậu, luôn giang rộng vòng tay để chờ đợi người con hoang đàng quay trở về và ôm trọn người con vào trong lòng. Cho nên, với Thiên Chúa, ai trong chúng ta cũng có thêm một cơ hội nữa để làm lại cuộc đời và để trở thành một người con cái trọn lành của Chúa.

Tôi nghĩ, sẽ có rất nhiều người trong chúng ta đồng ý với nhau rằng, mùa chay chính là một cơ hội cho chúng ta đổi mới tâm hồn. đó là một cơ hội của Chúa cho những ai đang quá bận bịu với cuộc đời, lo công ăn việc làm, lo địa vị trong xã hội, lo nhà cửa, và trăm thứ lo khác. Đôi lúc, chúng ta quên đi những giá trị căn bản của gia đình, quên bổn phận với Chúa và với tha nhân. Mùa chay là một cơ hội để chúng ta sống chậm lại để nhìn lại chính mình trong tương quan với Chúa và tha nhân. Hai chữ “Mùa Chay” trong tiếng Anh là Lent, xuất phát từ tiếng Latin là Lento, có nghĩa là slow, là chậm lại. Chúng ta được mời gọi sống chậm lại để trân quý những khoảnh khắc hiện tại mà chúng ta đang có: những khoảnh khắc thiêng liêng kết hiệp với Chúa trong kinh nguyện và Thánh Lễ, những khoảnh khắc chia ngọt sẻ bùi trong đời sống vợ chồng, những khoảnh khắc quý giá trong việc quan tâm và giáo dục con cái. Khi chúng ta sống chậm lại là chúng ta chia sẻ thời gian của chúng ta với người khác, và con cái của chúng ta rất cần những điều này. 

“Một người đàn ông đi làm về muộn, rất mệt mỏi và căng thẳng. Cậu bé con mới lên 7 đang đứng đợi người cha yêu dấu trở về nhà ở cửa ra vào. Khi nhìn thấy cha, cậu bé lại gần, ôm lấy và rụi đầu vào người cha. Bất ngờ cậu bé hỏi: “Bố ơi, mỗi một giờ bố làm ra bao nhiêu tiền?” Người đàn ông cũng nói cho cậu bé biết rằng mỗi giờ ông chỉ kiếm được 20 đô. Cậu bé con suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng: “Bố ơi, bố có thể cho con vay 10 đô được không ạ? Người cha lúc này trở nên tức giận không kiềm chế nổi mình. Ông nghĩ rằng con mình lại muốn vòi vĩnh những thứ đồ chơi xa xỉ hay một thứ gì khác mà ông phải đánh đổi hàng giờ làm việc mệt nhọc mới có được. Ông mắng con và đuổi no về phòng. Cậu bé mắt ươn ướt khi thấy thái độ giận dữ của cha, cậu lầm lũi đi lên phòng. 1 tiếng sau, người cha cảm thấy đã nguôi giận phần nào và bắt đầu suy nghĩ về những lời nói của đứa con. Ông nghĩ chắc hẳn phải có việc gì quan trọng lắm thì cậu mới xin ông 10 đô như vậy vì chưa bao giờ cậu bé hỏi xin tiền. Người cha lặng lẽ đi lên phòng đứa con và gõ cửa. Người cha chậm rãi: “Bố nghĩ rồi, có lẽ bố đã hơi nóng. Bố đi làm cả ngày nên mệt quá. Bố cài 10 đô của con vào cánh cửa rồi nhé!” Cậu bé lao ra cửa, nhìn bố, mỉm cười. Cậu chạy vào phòng, lật gối lên và mang ra cho người bố 1 xấp tiền lẻ và hào hứng: “Bố ơi, bây giờ thì con có đủ tiền rồi.” Người cha nghiêm khắc nhìn con, ông gằn giọng: “Tại sao con vẫn muốn bố cho tiền trong khi đã có?” Đứa con ngây thơ: “Vì con chưa đủ tiền mà.”Nó nhanh nhảu: “Bố ơi, giờ con đã có đủ 20 đô rồi. Bố ơi, con có thể mua được 1 tiếng làm việc của bố. Mai bố nhớ về nhà sớm hơn 1 tiếng ăn cơm với con nhé!” Người cha sững lại, cố kìm dòng nước mắt. Ông ôm cậu bé vào lòng và nói: “Bố thực sự xin lỗi con trai yêu quý!””

Câu chuyện xúc động cho chúng ta thấy rằng, chúng ta phải biết sử dụng cơ hội chúa cho để thay đổi cách nghĩ, cách sống: sống chậm lại, nghĩ khác đi, và yêu thương nhiều hơn. 

Và tôi tin rằng, cho dù chúng ta có bị giam cầm trong tội lỗi hoặc bị bế tắc trong cuộc sống, Chúa vẫn không bao giờ đóng hai cánh cửa cùng một lúc cả! Nếu cuộc đời có đối xử tệ bạc và khóa chúng ta lại bằng cửa trước, thì Chúa luôn hé mở một cửa sau cho chúng ta thoát ra. Cho nên chúng ta phải luôn tin rằng Chúa luôn cho chúng ta một cơ hội nữa. Có lẽ, một vài người trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm sâu sắc rằng, khi chúng ta bị bế tắc giữa biển nước bao la và màn đêm đen kịt, hải hùng trùng trùng điệp điệp, chúng ta tưởng rằng Chúa đã đóng cánh cửa cuộc đời của chúng ta. Nhưng không, Chúa đã hé mở một cánh cửa khác để chúng ta được trôi dạt vào bến bờ của sự bình yên và tự do.

Giáo Hội đã cho chúng ta rất nhiều cơ hội để được hòa giải với Chúa và đổi mới trong tâm hồn. Qua bí tích sức dầu bệnh nhân, chúng ta được chữa lành và cũng có thể là cơ hội cuối cùng để chúng ta ăn năn sám hối. Trong mùa chay, chúng ta được mời gọi đến với bí Tích giải tội, nơi mà Chúa cho chúng ta một cơ hội để làm một con người mới, được sống dồi dào trong ân sủng và bình an của Ngài. 

No comments:

Post a Comment