Tuesday, September 4, 2018

THIÊN THẦN BẢN MỆNH...


Thiên Thần Bản Mệnh
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa


Cái nắng hanh hao của xứ biển Esmeral-das, phía bắc nước Ecuador làm tôi chợt thèm cái cảm giác mát lạnh run người của vùng rẻo cao chót vót, ngút ngàn sương mù và những con đường đất đỏ uốn lượn theo sườn núi hun hút xa tít không một bóng người của vùng truyền giáo Ludo thuộc tỉnh Azuay ở miền nam, nơi tôi đã bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo, sống và chia sẻ đức tin với bà con dân tộc thiểu số trên đất nước xích đạo Ecuador này. Những kinh nghiệm đầu tiên trên một đất nước hoàn toàn xa lạ thường là những kinh nghiệm rất thú vị và không ít những thách đố ví như những trải nghiệm hết sức cần thiết cho một tu sĩ truyền giáo trẻ. Ba năm mục vụ nơi giáo xứ dân tộc thiểu số nghèo miền núi Ludo đã giúp tôi tự lập, tự tin và can đảm dấn thân hơn, đặc biệt là nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa qua hình ảnh Thiên Thần Hộ Thủ trong những tình huống ngặt nghèo nhất của hành trình truyền giáo.

Tôi đã được sai đến vùng núi cao Ludo với hành trang vỏn vẹn có 6 tháng học ngôn ngữ Tây Ban Nha và một khao khát muốn khám phá những điều mới mẻ sẽ xảy ra với mình trong những ngày tháng năm sắp tới. Ngồi trên cái xe Chevrolet Vitara hai cửa đã hơn mười năm tuổi đời chạy như ngựa phi băng qua ngọn núi cao vút, rồi thả dốc xuống những thung lũng sâu hun hút, tôi nghĩ dại: nếu lỡ xe đứt thắng hay rơi bánh ra thì mình sẽ ra sao? Sau hai giờ đồng hồ chạy xồng xộc trên những con đường đất đá, hốc hang lẫn lộn, cuối cùng một cha người Balan cùng dòng Ngôi Lời đã chở tôi về tới giáo xứ Ludo. Thiết nghĩ, tôi sẽ ở đây và sẽ học hỏi công việc mục vụ với cha người Balan này lâu dài. Nhưng không ngờ, mới được một tháng, vì lý do cá nhân, cha phải đi tới một giáo xứ khác. Nhà dòng gửi bài sai cho một cha già người Tây Ban Nha đang bị bệnh chờ ngày phẫu thuật sẽ đến giúp tôi. Nhưng ít nhất cũng phải mất nửa năm, vị cha già này mới khôi phục hoàn toàn để leo núi tới vùng truyền giáo này. Cuối cùng, tôi là người duy nhất trụ lại nơi đây, với hai giáo xứ cách nhau một tiếng đồng hồ chạy xe và ba mươi giáo điểm nằm rải rác trên các ngọn đồi hay dưới những thung lũng. Cũng may, trong tháng vừa qua tôi đã ra thành phố để học lấy bằng lái xe số tay, chuẩn bị cho những ngày tháng cùng với “con ngựa sắt” này leo núi tới những bản xa.

Những đêm đầu ngủ một mình trong nhà xứ, tôi có cảm giác ớn lạnh. Giáo xứ có khoảng sáu ngàn giáo dân, nhưng thật ra chỉ có ba gia đình sống gần nhà thờ. Tất cả bà con thiểu số sống trên những giáo điểm xa xôi. Nhà thờ Ludo đứng chênh vênh trên vách núi; phía dưới là thung lũng sâu. Đêm về yên tĩnh không một tiếng ồn; có chăng là những làn gió rít qua những tán thông vi vu rồi ùa vào trong nhà nghe lạnh buốt. Bên ngoài là một vài ánh đèn leo lét, nhìn xa xa trên những chỏm núi là những vệt sáng nhỏ như con đom đóm, nơi bản làng của giáo dân. Tôi nghĩ thầm trong đầu: “Biết ra sao ngày mai?” Ngày mai rồi cũng đến với nhiều cơ hội học hỏi và những khó khăn không lường cho một nhà truyền giáo trẻ, chưa hề có kinh nghiệm quản xứ và cũng mới bập bẹ tiếng Tây Ban Nha từ trong sách vở, trường lớp hơn là va chạm thực tế. Cũng may là giáo dân người bản xứ siêng năng và có tinh thần cộng tác. Mặc dù đường xá xa xôi, nhưng họ lặn lội tới tìm cha, rồi cộng tác với cha trong việc giảng dạy giáo lý cho các em, tổ chức họp hành hội đồng giáo xứ, lãnh trách nhiệm trong các chương trình huấn luyện giáo lý viên và tông đồ giáo dân, mặc dù họ phải đi hàng giờ để đến những giáo hạt và địa phận lân cận.

Mục tiêu quan trọng nhất cho một tu sĩ truyền giáo trẻ, chân ướt chân ráo lúc bấy giờ là chu toàn nhu cầu mục vụ bí tích cho giáo dân. Chỉ cần mỗi tháng một cộng đoàn kêu cha một lần thôi, thì ngày nào Cha cũng lôi “con ngựa sắt trành” ra leo núi rồi. Đó là chưa kể Lễ Bổn Mạng, các Lễ Đức Mẹ, và nhiều nghi thức truyền thống văn hoá khác. Vì chưa rành đường xá trên núi, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm mù trời, rất nhiều khúc quanh co lên xuống chỉ cần nhìn thôi cũng đủ ớn người, cho nên những suy nghĩ về rủi ro tai nạn, hư xe dọc đường, hay xe yếu không lên được dốc cao lúc trời mưa luôn ám ảnh trong đầu mỗi khi tôi leo lên xe rời nhà xứ. Tuy nhiên, tôi luôn có những niềm vui nho nhỏ là được làm lễ cho giáo dân xa xôi, được ăn những món ăn truyền thống của họ như chuột tàu nướng than, bắp luộc, đậu habas, phô-mai từ sữa bò, được uống Chicha - một loại nước uống lên men làm từ bắp - và rất nhiều rau quả miền sơn cước họ dùng làm quà biếu cha.

Đặc biệt hơn là được giao tiếp hàng ngày với giáo dân bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha, một cơ hội lớn lao để tôi có thể hiểu họ và giúp tôi vượt qua rào cản về ngôn ngữ. Thú thật, những ngày đầu ở giáo xứ, tôi không hiểu họ nói gì cả mặc dù đã hoàn thành hai khoá học ngôn ngữ tại một đại học Công Giáo ở thủ đô Quito. Điều này làm tôi hoang mang, lo lắng, không biết khả năng nghe của mình quá kém hay tại họ nói quá nhanh. Cuối cùng thì tôi cũng nhận ra rằng, người bản xứ miền núi có một giọng nói rất đặc trưng, khác với tiếng Tây Ban Nha chính thức mà tôi được học ở trường. Giọng họ nói lên xuống véo von như chim hót, và còn pha thêm ngôn ngữ bản xứ Ki-chua của họ nữa. Cho nên sau này, tôi cố gắng nghe họ thật kỹ và bắt được chất giọng của họ. Có lúc các cha bạn nói đùa với nhau là Cha Nhiên dạo này nói tiếng Tây Ban Nha véo von như chim hót. Nghe hơi buồn cười, nhưng tôi cảm thấy mừng trong lòng, vì thời gian qua tôi sống với họ, làm việc với họ, chia sẻ đời sống đức tin với họ, được nuôi dưỡng bởi thức ăn nước uống của họ, và được hoà mình vào trong bầu không khí và cuộc sống của họ; tôi đã hòa nhập phần nào vào văn hoá của người dân bản xứ nơi đây.

Có lẽ, lối sống đơn sơ, chân chất vốn có của người bản xứ đã tạo cho tôi sự tự tin cần thiết, giúp tôi vượt qua những non nớt, yếu kém ban đầu. Họ không chỉ trích, phê phán hay chê bai khả năng ngôn ngữ của tôi, nhưng lắng nghe với sự tôn trọng. Đôi lúc cha nói sai một vài từ trên bục giảng, họ nhẹ nhàng nhắc khéo cha sau Thánh Lễ. Thế đấy, một sự khởi đầu tưởng chừng như quá nặng nề đối với một nhà truyền giáo trẻ, giống như trường hợp “đem con bỏ chợ,” lại trở nên nhẹ nhàng, dễ thở nhờ vào sự cộng tác hết sức chân thành và hiền hoà của giáo dân. Qua đấy, tôi nhận ra được sự đồng hành và quan phòng của Thiên Chúa trên mỗi bước đường truyền giáo.

Có nhiều lúc, tôi cảm nghiệm sự quan phòng của Thiên Chúa như hình ảnh Thiên Thần Bản Mệnh xuất hiện đúng lúc để đồng hành với tôi vượt qua những thử thách hết sức cam go. Một ngày trời mưa kéo dài, tôi lái xe đi làm Lễ Bổn Mạng Đức Maria nơi một giáo điểm xa cách nhà xứ gần hai giờ chạy xe. Giáo điểm nhỏ nằm lọt dưới một thung lũng, được nối với một con đường đất ngoằn ngoèo chỉ lớn hơn một làn xe, một bên là núivà bên kia là vực sâu. Sau Thánh Lễ, tôi được giáo dân mời ăn tối. Khoảng 9 giờ đêm, tôi bắt đầu lái xe trở về. Trời tối như mực lại còn mưa tầm tã khiến con đường càng thêm lầy lội. Đi được hơn nửa giờ đồng hồ, tôi thấy phía trước là một đống đất đá do núi sạt lở xuống, nên con đường chỉ còn lại một lối nhỏ mà tôi áng chừng cái Chevrolet Vitara có thể đi qua được. Tôi quyết định lái xe qua. Vừa tới đống đất, chiếc xe bỗng sụp xuống và nghiêng về phía vực sâu tối om. Càng rịn ga thì xe càng lún và nghiêng xuống hố. Tôi nhận ra đất sình trên núi đã phủ qua con đường, và hai bánh xe bên phải thật ra không bám trên đường mà mắc kẹt dưới lớp đất lầy. Tôi đành mở cửa hông bên kia và chui ra khỏi xe. Trời vẫn tối mịt một màu đen ngòm, mưa vẫn rơi ào ạt, và cái Chevrolet Vitara đang lún xuống, chỉ chực ngả ra khỏi con đường và rơi xuống vực thẳm. Tôi thật sự không biết làm gì trong tình huống này, ngoài việc lẩm nhẩm mấy câu kinh bỏ túi.

Đường vắng không có người qua lại, cũng không có ai ở gần để kêu cứu, và điện thoại thì cũng không có sóng để mà gọi. Bất thình lình, một người đàn ông cầm đèn pin từ trên núi đi xuống chỗ tôi. Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Người đàn ông gọi cha xưng con tỉnh bơ, nhưng tôi chỉ thấy quen quen chứ không biết chính xác là ai. Ông nói sẽ đi bộ ra giáo điểm cách đây nửa tiếng để gọi xe tới kéo xe tôi lên. Giờ thì chỉ có cách là đứng chờ, nhìn xe đang lún, và lại lẩm nhẩm vài câu kinh. May thay, trong vòng ba mươi phút, một người giáo dân quen chạy xe tới để giúp kéo xe tôi lên. Tôi hỏi người đàn ông kia đâu; anh giáo dân nói ông đi rồi vàcũng không biết ông là ai. Cuối cùng, chiếc xe của tôi cũng được kéo lên khỏi đống sình lầy. Trên suốt chặng đường về nhà, tôi tự hỏi người đàn ông trên núi là ai. Tôi sực nhớ ra cách đây khoảng 6 tháng, cái xe của tôi bị chết máy giữa đường trên sườn núi không nhà và không người qua lại. Tôi loay hoay mãi tới mười giờ đêm mà cũng không biết làm cách nào cho xe nổ máy để đi về nhà. Bất thình lình, một người đàn ông cầm đèn pin đi từ trong núi đi ra. Ông ta chào hỏi tôi rồi đụng chạm vào một vài nơi của chiếc xe. Trong chốc lát, tôi đề máy nổ bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Tôi mừng quá, giúi vào tay ông mười đô la coi như quà cám ơn. Nhưng ông từ chối và nói rằng nếu ông nhận tiền của tôi thì ông sẽ phải đi xưng tội. Thế rồi ông chào tạm biệt, và trong chốc lát bóng ông mất hút vào màn đêm tĩnh mịch giữa núi rừng.

Trong những tình huống như thế, tôi chỉ biết thầm cám ơn những con người chưa từng gặp mặt đã đến đúng lúc để giúp đỡ và đem đến sự an toàn để tôi được trở về nhà bình an. Có thể họ là những con người thật đang sinh sống trên các đỉnh núi ấy, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng họ chính là sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho tôi trong hành trình truyền giáo này. Tôi đã thật sự được cảm nhận và sống những khoảnh khắc về sự can thiệp của Thiên Chúa trong những tình huống ngặt nghèo qua hình ảnh các Thiên Thần Hộ Thủ mà tôi đã được nghe kể rất nhiều trong thời niên thiếu. Có lẽ, không thể chia sẻ hết những kinh nghiệm truyền giáo trên cao nguyên Ludo, Ecuador, nhưng những khoảng khắc trên đây được coi là những bước ngoặc quan trọng đã tôi luyện một nhà truyền giáo trẻ tính tự lập, sự tự tin, và lòng can đảm chế ngự những yếu kém sợ sệt ban đầu. Qua đây, tôi đã thấy và tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa trên bước đường truyền giáo.

Giờ đây, khi ngồi viết lên những dòng chia sẻ này với quý ông bà và anh chị em là lúc tôi đang làm mục vụ tại vùng biển Esmeraldas giáp ranh với Colombia. Một vùng biên giới được biết là rất nguy hiểm với những tệ nạn cướp bóc, ma túy, và khủng bố Ma a. Tôi vẫn một mình một ngựa trên vùng truyền giáo mới này, nhưng với “con ngựa sắt” khác già hơn, gần hai mươi năm tuổi đời. Xin quý ông bà anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi để tất cả những trải nghiệm vui buồn, sướng khổ của cuộc đời truyền giáo là của lễ ca ngợi tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Amen.

page6image31656

No comments:

Post a Comment